Nhật Bản trước mối nguy hiểm của “vừa đi vừa dùng điện thoại thông minh”

Một vụ tai nạn gây tử vong, trong đó nạn nhân vừa đi bộ vừa dùng điện thoại thông minh, cho thấy rõ chứng nghiện điện thoại có thể gây ra hậu quả chết người. Hiện giới chức đang tìm cách giải quyết vấn đề này.

Vào một buổi tối tháng 7 ở Tokyo, một phụ nữ 31 tuổi vừa đi bộ vừa nhìn điện thoại thông minh và dừng lại giữa đường ngang giao với đường sắt. Hình ảnh của máy quay an ninh cho thấy cô vẫn nhìn vào màn hình điện thoại ngay cả khi rào chắn an toàn hạ xuống và có tiếng còi cảnh báo tàu sắp tới. Cô tử vong ngay tại chỗ.

Sau khi xem hình ảnh của máy quay an ninh, cảnh sát cho rằng người phụ nữ này biết tàu sắp tới nhưng tưởng mình đứng ở nơi an toàn.

Theo cảnh sát, người phụ nữ tử vong do bị tàu đâm đứng dùng điện thoại thông minh trong vùng rào chắn.

Giáo sư Danh dự Kozuka Kazuhiro của Đại học Công nghệ Aichi, người dành hơn một thập kỷ nghiên cứu về ảnh hưởng của việc sử dụng điện thoại di động đối với tầm nhìn, nói rằng điều này rất có khả năng xảy ra.

Ông Kozuka sử dụng thiết bị theo dõi mắt để xem việc vừa đi vừa dùng điện thoại thông minh ảnh hưởng ra sao tới chuyển động của mắt người dùng.

Nghiên cứu của ông cho thấy vùng tập trung của tầm nhìn giảm 95% khi nhìn vào điện thoại.

Công nghệ theo dõi mắt cho thấy vùng tập trung tầm nhìn giảm đáng kể khi một người vừa đi vừa dùng điện thoại thông minh.

Ông Kozuka cho biết dù có vật thể trong tầm nhìn, chưa chắc não bộ có thể nhận biết nếu mắt không tập trung vào vật thể đó. Ông nói rằng điều này có thể khiến ta nhầm tưởng là mình vẫn nhìn thấy xung quanh.

Não chặn các thông tin khác

Tầm nhìn không phải là thứ duy nhất bị ảnh hưởng. Người phụ nữ nói trên còn được cho là không nhận ra âm thanh cảnh báo nguy hiểm.

Giáo sư Edagawa Yoshikuni của Đại học Waseda là chuyên gia về hoạt động của não. Ông cho biết điện thoại thông minh được thiết kế để thu hút sự chú ý, và có thể người phụ nữ này mải mê nhìn màn hình tới mức não cô chặn các thông tin khác.

Ông Edagawa nói rằng não người không thể xử lý đồng thời nhiều thông tin, mà chỉ tập trung vào một thứ. Mắt hoặc tai có thể tiếp nhận các thông tin khác, nhưng chưa chắc não hiểu ý nghĩa của các thông tin này.

Cuộc điều tra về vụ tai nạn cho thấy nạn nhân đi qua đường ngang này hằng ngày. Ông Edagawa nói rằng có thể vì quá quen với môi trường đó nên cô có cảm giác an toàn giả.

Nạn nhân không phản ứng với còi cảnh báo tàu sắp tới.

Tai nạn liên quan đến điện thoại thông minh gia tăng

Theo Sở Cứu hoả – Cứu thương Tokyo, từ năm 2016 tới năm 2020 ở thủ đô đã có 196 lần xe cứu thương được gọi đến vì xảy ra tai nạn liên quan tới việc vừa đi bộ hoặc đi xe đạp vừa nhìn điện thoại thông minh. Nạn nhân thuộc tất cả các nhóm tuổi.

Các vụ việc này làm dấy lên kêu gọi cấm dùng điện thoại thông minh khi đang đi bộ.

Vào năm 2020, thành phố Yamato ở tỉnh Kanagawa đã ra lệnh cấm như vậy. Đây chỉ là quy định không kèm hình phạt, nhưng dường như cũng có tác dụng nhất định.

Giới chức thành phố Yamato ở tỉnh Kanagawa cho biết các biển báo cấm dùng điện thoại thông minh khi đang đi bộ đã có hiệu quả.

Theo khảo sát của giới chức thành phố, vào tháng 1/2020, trong số những người đi bộ quanh ga có khoảng 12% vừa đi vừa dùng điện thoại. Con số này giảm xuống 7% sau khi quy định có hiệu lực.

Quận Adachi và Arakawa ở Tokyo, cũng như thành phố Ikeda ở Osaka, đã ban hành quy định tương tự. Các quy định này cũng không kèm hình phạt.

Năm 2017, thành phố Honolulu ở Hawaii ra quy định cấm nhìn điện thoại thông minh khi qua đường. Những người bị phát hiện vi phạm phải nộp phạt từ 15 tới 99 đôla.

Giới chức Hàn Quốc có cách tiếp cận sáng tạo hơn là lắp đèn LED vào vỉa hè ở nơi qua đường. Đèn này đổi màu theo tín hiệu giao thông.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc thử nghiệm lắp đèn vào năm 2018, và từ đó đã lắp thêm ở hơn 1.000 địa điểm, chủ yếu ở các nơi qua đường đông người và dọc đường đi học.

Ở Seoul, đèn ở vỉa hè cảnh báo người đi bộ về đèn đỏ dù họ đang cúi đầu.

Thành phố Trùng Khánh ở Trung Quốc bố trí làn đường riêng cho người muốn vừa đi vừa dùng điện thoại thông minh.

Thành phố Trùng Khánh ở Trung Quốc bố trí làn đường riêng cho người dùng điện thoại thông minh.

Ông Kozuka cho biết: “Chỉ đơn giản là chỉ rõ nguy hiểm và đánh vào tinh thần trách nhiệm của mọi người cũng đủ có tác dụng, ít nhất là ở Nhật Bản”. Ông dẫn ví dụ là các chiến dịch phản đối hút thuốc lá.

Hàng thập kỷ trước, việc vừa đi bộ vừa hút thuốc lá ở nơi công cộng rất phổ biến. Điều này bắt đầu thay đổi khi mọi người biết rõ về nguy hiểm của việc hút thuốc thụ động.

Ông Kozuka nói: “Áp lực xã hội tương tự có thể có tác dụng đối với chứng nghiện điện thoại thông minh”.

Trong bối cảnh một số ít nhưng ngày càng nhiều địa phương ra lệnh cấm và vận động nâng cao nhận thức về vấn đề này, áp lực có thể lan rộng tới mức cần thiết ở Nhật Bản, dẫn tới thay đổi thực sự và lâu dài.

Biên tập viên Yoshioka Takuma của Newsroom Tokyo tìm hiểu về hạn chế của não người trong việc xử lý đồng thời nhiều thông tin. (Đã phát vào ngày 26/10/2021).

Theo https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/1818/

Hotline: 0705.36.9899