Đèn giao thông bị tắt ở Trung Quốc. Người dân ở châu Âu lo không có đủ khí đốt để vượt qua mùa đông. Tiền điện tăng mạnh ở Nhật Bản. Một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu rộng đã nổi lên như một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu vừa mới bắt đầu phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch vi-rút corona.
Giá dầu thô toàn cầu đã vượt 80 đôla/thùng, cao nhất trong 7 năm. Điều này hoàn toàn trái ngược với mùa xuân năm ngoái, khi nhu cầu giảm và giá giảm lần đầu tiên trong lịch sử. Giá khí đốt và giá than cũng đang tăng lên.
Đằng sau những chi phí tăng vọt này là gì? Ba yếu tố lớn hội tụ trong một “cơn bão hoàn hảo”.
Đầu tiên là cầu tăng mạnh. Mùa đông năm ngoái, hoạt động kinh doanh giảm sút do đại dịch. Yếu tố này kết hợp với thời tiết ấm bất thường trên khắp thế giới đã khiến các nhà sản xuất dầu, khí đốt và than giảm sản lượng. Tuy nhiên, kinh doanh hiện đang khởi sắc, nguồn dự trữ không còn đủ.
Yếu tố thứ hai là căng thẳng địa chính trị. Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc một phần là kết quả của việc Trung Quốc bất hoà với quốc gia từng cung cấp gần 1/3 lượng than cho mình. Bắc Kinh cấm nhập khẩu nhiên liệu này từ Australia sau khi Canberra ủng hộ kêu gọi điều tra cách xử lý ban đầu của Trung Quốc khi COVID-19 bùng phát.
Trong khi đó, phần lớn châu Âu đang cạn dần khí đốt do Nga hạn chế nguồn cung qua đường ống xuyên lục địa. Một số người ở châu Âu nói rằng Moscow đang tìm cách thao túng thị trường và đẩy giá lên, nhưng Điện Kremlin phủ nhận điều này.
Và cuối cùng, yếu tố thứ ba, có thể không phải hoàn cảnh cũ mà là thực tế mới: Các nước trên thế giới đang quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch. Các chính sách mới chống biến đổi khí hậu đã dẫn đến giảm cung năng lượng phát thải cao. Tuy nhiên, sản xuất năng lượng tái tạo vẫn chưa đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt này.
Nhiều nhà nhập khẩu dầu đang kêu gọi các nhà sản xuất lớn, như các thành viên OPEC +, tăng sản lượng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những quốc gia đó không muốn làm như vậy, vì mức giá cao như hiện nay sẽ giúp họ bù đắp tổn thất phát sinh trong đại dịch.
Các nhà kinh tế lo ngại khủng hoảng năng lượng sẽ dẫn đến một thời kỳ lạm phát đình trệ có nguy cơ cản trở quá trình phục hồi sau đại dịch. Ngân hàng Thế giới dự đoán giá năng lượng vẫn cao đến năm 2022, với mức tăng là 2,3% so với năm nay. Điều này sẽ xảy ra vào thời điểm mà nhiều quốc gia vẫn đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao do đại dịch.
Khủng hoảng năng lượng đang dẫn đến những tác động nặng nề cho người sử dụng thường xuyên. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Daiichi Life, các hộ gia đình Nhật Bản năm nay có thể sẽ phải chi thêm trung bình là 46.000 yên, tức khoảng 400 đôla, cho năng lượng.
Ở Trung Quốc, tác động có thể còn lớn hơn. Việc hạn chế sử dụng điện đã buộc các nhà máy phải tạm dừng dây chuyền sản xuất. Điều này đã dẫn đến việc giảm sản xuất silicon và ma-giê, do đó làm gián đoạn quá trình sản xuất chất bán dẫn và ô tô. Trong khi đó, thời tiết chuyển lạnh đột ngột làm gia tăng căng thẳng cho hệ thống điện.
Đối với các nước nhập khẩu năng lượng, giải pháp dài hạn khả thi duy nhất là đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Khi các chính sách xanh được áp dụng trên toàn thế giới, thiếu hụt như thế này sẽ ít ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Nhưng trước mắt, các nước này sẽ phải có phương án dự phòng để tăng dự trữ năng lượng. Nếu không, người tiêu dùng có thu nhập thấp sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề mỗi khi có một cuộc khủng hoảng như thế này trong tương lai.
Theo https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/1815/