Bí mật ‘thịnh vượng chung’ của cường quốc kinh tế Nhật Bản

Nhật Bản đánh thuế thừa kế tới 55%, quà tặng từ 270 nghìn USD cũng đánh thuế tới 50%. Hai thứ thuế rất cao này về cơ bản đã biến những gia đình giàu có thành gia đình bình thường chỉ sau 3 thế hệ.

Ảnh: Visual China

Vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhiều quốc gia phải đánh đổi bằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng, tuy nhiên, Nhật Bản lại giải quyết rất hiệu quả vấn đề nan giải trên. Bí mật của họ là gì?

Nhật Bản đã vươn lên từ đống tro tàn của Thế chiến II và đứng vào hàng ngũ các nước phát triển chỉ sau 40 năm (1945-1985). Thời kỳ này được ca ngợi là kỳ tích kinh tế châu Á. Dù là trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng nhanh, hay thời kỳ kinh tế bong bóng những năm 1985, hay thời kỳ hậu bong bóng, Nhật Bản vẫn có được sự thịnh vượng, giàu có mà không tạo ra chênh lệch giàu nghèo quá lớn.

Trong thời kỳ bong bóng kinh tế những năm 1985, Nhật Bản từng tự nhận mình là một xã hội với 100 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu (dân số Nhật Bản năm 1985 là 120 triệu); trong thời kỳ hậu bong bóng, vẫn có tới hơn 60% người Nhật tin rằng họ thuộc tầng lớp trung lưu.

Nhật Bản có thể sử dụng kinh tế thị trường để đạt tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đồng thời thực hiện thịnh vượng chung cho toàn xã hội. Yếu tố then chốt là hệ thống phân phối thứ cấp dựa trên thuế. Hệ thống thuế toàn diện và hiệu quả của Nhật Bản đã giúp san sẻ êm thấm một phần thu nhập từ lương và lãi đầu tư của nhóm giàu có sang cho nhóm lương thấp và không có thu nhập từ đầu tư vốn.

Nhật Bản đã sử dụng hệ thống thuế thu nhập và thuế tài sản hợp lý, hệ thống thanh toán chuyển giao (transfer payments) hiệu quả, cùng hệ thống bảo hiểm y tế và hưu trí toàn dân để đạt được sự thịnh vượng chung cho toàn xã hội, tránh được khoảng cách giàu nghèo quá lớn trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Kinh nghiệm của Nhật Bản rất đáng để nhiều nước tham khảo.

Hoàn thiện hệ thống thuế thu nhập và thuế tài sản, thực hiện tái phân phối hiệu quả

Mức thuế thu nhập cá nhân ở Nhật Bản bắt đầu từ 5% và dần dần tăng lên 45%. Thu nhập hàng năm dưới 1,95 triệu yên (khoảng 18,000 USD), thuế suất là 5%, và thu nhập hàng năm trên 40 triệu yên (tương đương 360,000 USD) phải chịu thuế thu nhập cá nhân 45%.

Ngoài chênh lệch thu nhập từ tiền lương, chênh lệch về tài sản cá nhân hiện là nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch giàu nghèo trên toàn thế giới. Một trong những luận điểm chính của cuốn sách kinh tế chính trị học “Tư bản trong thế kỷ 21” (Capital in the Twenty-first Century) của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty là tốc độ gia tăng tài sản từ tư bản (máy móc, đất đai) hay vốn sẽ lớn hơn rất nhiều tốc độ tăng trưởng hàng hoá thực hay tăng trưởng kinh tế dựa trên lao động trong nền kinh tế thực.

Đối với những loại tài sản khác nhau của tầng lớp giàu có, Nhật Bản đã thiết lập một hệ thống thuế hợp lý. Chính phủ Nhật Bản đánh thuế 20% đối với lãi thu được từ những khoản đầu tư trên thị trường chứng khoán, lãi tiền gửi ngân hàng và thu nhập từ những loại trái phiếu khác nhau.

Chính quyền địa phương Nhật Bản đánh thuế bất động sản 1,4% đối với đất đai và nhà cửa. Hiện tại, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty Nhật Bản là 30%.

Thuế thừa kế là vũ khí để Nhật Bản loại bỏ những người siêu giàu, thuế suất cao nhất tới 55%. Hiện nay, người nước ngoài đã sống ở Nhật Bản hơn 10 năm, tài sản thừa kế của họ bên ngoài Nhật Bản cũng sẽ phải chịu thuế thừa kế của Nhật Bản. Nhiều người cho rằng đây chính là lý do mà rất ít người nước ngoài đến định cư hay nhập tịch Nhật Bản.

Việc thu thuế thừa kế về cơ bản đã biến những gia đình giàu có của Nhật Bản thành những gia đình bình thường sau ba thế hệ. Để ngăn người giàu tẩu tán tài sản và trốn thuế thừa kế, Nhật Bản cũng đánh thuế quà tặng. Khi người giàu tặng của cải cho con cái, người thân và bạn bè, nếu giá trị quà tặng vượt quá 2 triệu yên/năm (hơn 18,000 USD), họ phải nộp thuế quà tặng 10%; nếu quà tặng vượt quá 30 triệu yên/năm (270,000 USD), họ phải nộp thuế quà tặng 50%.

Mẹ của cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama – bà Yasuko Hatoyama là cổ đông chính của Bridgestone Corp, công ty lốp xe lớn nhất thế giới. Theo Telegraph, bà đã cho con trai 600 triệu yên (tương đương 6,7 triệu USD năm 2002) để gây quỹ chính trị và điều này là vi phạm luật pháp Nhật Bản bởi nước này đã có quy định về giới hạn các khoản đóng góp cá nhân trong 1 năm của một nghị sĩ (khoảng 1,5 triệu yên/năm).

Để trốn thuế, ông Hatoyama đã giả mạo một danh sách dài những người đã chết, ngoài ra còn rất nhiều những người còn sống phủ nhận đã góp tiền cho ông mà vẫn có tên trong danh sách đóng góp. Sau đó, mẹ của ông Hatoyama đã phải đóng khoản thuế quà tặng theo luật định.

Hệ số Gini là một chỉ số tổng hợp để đo lường bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của một quốc gia. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tiến hành điều tra phân phối thu nhập của hộ gia đình ba năm một lần để tính toán hệ số Gini của thu nhập lần đầu và thu nhập được phân phối lại.

Cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy hệ số Gini được tính dựa trên thu nhập ban đầu của gia đình (bao gồm thu nhập từ tiền lương và thu nhập từ tài sản) là 0,5594 và hệ số Gini của thu nhập sau khi điều chỉnh thuế là 0,3712. Có thể thấy, chính sách thuế đã làm giảm bất bình đẳng thu nhập một cách hiệu quả.

Bí mật 'thịnh vượng chung' của cường quốc kinh tế Nhật Bản ảnh 1

Hệ số Gini về phân phối thu nhập của các hộ gia đình Nhật Bản giai đoạn 1981-2017. Nguồn: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cột màu xanh: thu nhập lần đầu, cột màu đỏ: thu nhập được phân phối lại

Xét từ góc độ lịch sử, cơ chế thuế và tái phân phối của Nhật Bản đã rất hiệu quả trong việc kiềm chế bất bình đẳng thu nhập hộ gia đình.

Có thể thấy rằng cơ chế phân phối lại thu nhập dựa trên thuế đã làm hệ số Gini (cột màu đỏ) khá đồng đều. Năm 1981, hệ số Gini dựa trên thu nhập lần đầu là 0,3491, trong khi hệ số Gini dựa trên tái phân phối thu nhập là 0,3143.

Với sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản, hệ số Gini dựa trên thu nhập lần đầu của các hộ gia đình tiếp tục được nới rộng, hệ số Gini tính trên thu nhập lần đầu đạt mức cao 0,5704 vào năm 2014, cao hơn 63% so với hệ số Gini trên thu nhập lần đầu năm 1981. Tuy nhiên, hệ số Gini dựa trên thu nhập được phân phối lại năm 2014 là 0,3759, chỉ cao hơn 20% so với hệ số Gini dựa trên thu nhập được phân phối lại năm 1981.

Hệ số Gini dựa trên thu nhập được phân phối lại năm 2017 thấp hơn 4,2% so với năm 2005. Có ba lý do chính khiến hệ số Gini phân phối lại giảm từ mức đỉnh vào năm 2005:

(1) Chính phủ Nhật Bản tăng tỷ lệ đóng quỹ hưu trí đối với người lao động từ 8,67% tiền lương năm 1997 lên 9,15% năm 2020;

(2) Đảng Dân chủ lên nắm quyền vào năm 2008 và thực hiện trợ cấp tiền mặt hàng tháng 20.000 yên/người (khoảng 180 USD) cho trẻ vị thành niên;

(3) Giảm khấu trừ thuế đối với các gia đình có thu nhập hàng năm từ 10 triệu yên trở lên (khoảng 90,000 USD). Ở Nhật Bản, những gia đình có thu nhập hàng năm từ 10 triệu yên trở lên thuộc tầng lớp có thu nhập cao. Tầng lớp này luôn là mục tiêu bị đánh thuế cao hơn.

Khi thu thuế từ những nhóm người có thu nhập cao và giàu có, chính phủ có trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp cho những gia đình có thu nhập thấp những khoản trợ cấp thu nhập để thực hiện mục đích của tái phân phối thu nhập.

Các khoản thanh toán chuyển giao của chính phủ Nhật Bản cho những gia đình có thu nhập thấp bao gồm trợ cấp sinh hoạt tối thiểu, trợ cấp nhà ở, trợ cấp y tế và trợ cấp giáo dục. Hàng năm, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố mức sống tối thiểu của các vùng khác nhau, những gia đình không đạt tiêu chuẩn này có thể nhận được trợ cấp tiền mặt trực tiếp từ chính phủ.

Hệ thống an sinh xã hội, phân phối thu nhập hướng đến sự công bằng

Ngoài những loại thuế khác nhau, đóng bảo hiểm xã hội cũng là một phần quan trọng trong quy định thu nhập của chính phủ Nhật Bản. Nhật Bản thực hiện bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí toàn dân. Đóng bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ thu nhập từ tiền lương.

Bí mật 'thịnh vượng chung' của cường quốc kinh tế Nhật Bản ảnh 2

Nhật Bản chú ý đến công bằng xã hội trong chính sách an sinh xã hội. Ảnh: NetEase

Hiện tại, mức đóng bảo hiểm y tế là 4,92% tiền lương, bảo hiểm hưu trí là 9,15% tiền lương. Những người có mức lương cao hơn trả nhiều hơn, và những người có mức lương thấp hơn trả ít hơn. Tuy nhiên, tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội đều được hưởng các dịch vụ y tế như nhau.

Tuổi hưởng lương hưu ở Nhật Bản là 65 tuổi. Một tổ chức nghiên cứu ở Nhật Bản từng đưa ra so sánh: một gia đình chỉ có một người làm việc và một gia đình cả hai vợ chồng đều đi làm việc với mức lương hàng tháng của mỗi người như nhau, họ sẽ làm việc 40 năm rồi nghỉ hưu. Những hộ gia đình có cả hai vợ chồng đi làm sẽ đóng bảo hiểm hưu trí cao gấp đôi những hộ chỉ có một người làm việc. Thế nhưng khi bắt đầu nhận lương hưu, những hộ gia đình có cả hai vợ chồng đi làm cũng chỉ nhận hơn hộ có một người làm việc khoảng 30.000 yên (khoảng 268 USD)/tháng.

Việc thiết kế phúc lợi xã hội như chăm sóc y tế và trả lương hưu ở Nhật Bản dựa trên những tiện ích khác nhau mà mỗi người nên được hưởng, chứ không phải bằng số tiền đóng bảo hiểm xã hội của mỗi người. Theo hệ thống này, tiền đóng bảo hiểm xã hội thực chất là một loại thuế, vì nhóm người có thu nhập cao và giàu có cần phải đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn mặc dù họ chỉ hưởng phúc lợi xã hội như nhóm người có thu nhập thấp. Việc những nhóm này đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn là nhằm trợ cấp cho những nhóm có thu nhập thấp hơn.

Theo CNBC, giám đốc điều hành tại những công ty lớn của Mỹ được trả thù lao cao gấp 300 lần so với nhân viên dưới quyền và khoảng cách thu nhập này đang ngày càng nới rộng. CEO được trả lương cao nhất năm ngoái là Chad Richison của Paycom với hơn 200 triệu USD tiền lương và thưởng cổ phiếu.

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và với dân số 125 triệu người, thu nhập hàng năm của giám đốc điều hành tại Nhật Bản không đáng kể so với vị trí tương đương tại Mỹ. Ở Nhật Bản, có rất ít người có thu nhập hàng năm hơn 100 triệu yên (khoảng 896,000 USD). Chỉ có khoảng 540 CEO Nhật Bản nhận thu nhập hàng năm hơn 100 triệu yên. Chủ tịch Sony Kenichiro Yoshida hiện là CEO người Nhật được trả lương cao nhất tại Nhật Bản, thu nhập hàng năm của ông vào khoảng 1,25 tỉ yên (khoảng 11,2 triệu USD).

Thu nhập của các ngôi sao điện ảnh, ca sĩ Nhật Bản và nhiều nghệ sĩ giải trí không chỉ không thể so sánh với các ngôi sao Hollywood của Mỹ mà còn kém cạnh so với những ngôi sao điện ảnh và ca sĩ Trung Quốc. Ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Ayase Haruka hiện là nghệ sĩ được trả lương cao nhất trong các loại hình giải trí tại Nhật Bản, thu nhập hàng năm bao gồm cả quảng cáo của cô là khoảng 650 triệu yên (khoảng 5,8 triệu USD).

Nhật Bản là một xã hội công bằng. Khái niệm công bằng này có xu hướng cân bằng thu nhập và không chấp nhận khoảng cách thu nhập quá lớn trong xã hội.

Hệ thống lương dựa trên thâm niên làm giảm khoảng cách thu nhập

Hệ thống lương dựa vào thâm niên ở Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế chênh lệch thu nhập ban đầu. Tiền lương tăng dần theo độ tuổi, tuổi càng cao thì lương càng cao. Đây là một chế độ rất đặc thù tại Nhật Bản, nhiều chuyên gia cho rằng đó chính là nền tảng cho sự phát triển thần kỳ của Nhật sau khi bại trận trong Thế chiến II.

Chế độ trả lương dựa vào thâm niên đã dẫn đến hai kết quả, một là chênh lệch lương giữa những người cùng độ tuổi nhưng làm việc trong các ngành khác nhau không lớn. Một ví dụ điển hình là mức lương của giáo sư trong các trường đại học Nhật Bản sẽ không chênh lệch nhiều, bất kể chuyên ngành khác nhau. Lương của giáo sư trong các trường cao đẳng nghệ thuật cũng giống như lương của giáo sư trong các trường kỹ thuật hoặc trường kinh doanh. Miễn là cùng thâm niên và cùng chức danh, thì lương của các giáo sư cơ bản là như nhau.

Một kết quả khác là nhân viên bằng cấp đại học trở lên, cho dù là bằng thạc sĩ hay bằng tiến sĩ, sẽ không nhận được đãi ngộ lương nhờ bằng cấp khi làm việc trong một doanh nghiệp hoặc cơ quan chính phủ. Do đó, việc nhân viên với trình độ tiến sĩ nhận mức lương thấp hơn nhân viên chỉ có bằng cử nhân trong cùng bộ phận là điều không hiếm. Tiền lương của nhân viên vào công ty sau khi tốt nghiệp đại học được tăng hàng năm theo thời gian công tác vượt mức tăng lương của nghiên cứu sinh vào công ty muộn hơn.

Tiền lương của công nhân thuộc tầng lớp lao động Nhật Bản cũng bao gồm những khoản trợ cấp cho những nhu cầu sinh hoạt khác nhau. Những khoản trợ cấp này bao gồm trợ cấp đi lại, trợ cấp cho trẻ em, trợ cấp cho vợ/chồng không đi làm, trợ cấp tiền thuê nhà, v.v. Những khoản trợ cấp này có lợi cho gia đình có con cái, và ở một mức độ nhất định làm giảm khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa người lao động độc thân và người lao động có gia đình.

Theo https://viettimes.vn/bi-mat-thinh-vuong-chung-cua-cuong-quoc-kinh-te-nhat-ban-post150727.html