Nhưng chỉ điều đó thôi là chưa đủ để giải quyết vấn đề “thị trấn ma” tại xứ Phù Tang.
“Tôi nghĩ, mình có thể để lại những gì, và mình sẽ là tấm gương thế nào đối với con cái… nếu tôi không thể nói với chúng tôi đã sống một cuộc sống thoả mãn và thú vị?” – Uchiyama nói.
Năm năm sau đó, Uchiyama và vợ dọn đồ rời khỏi Tokyo. Điểm đến của họ cách đó 9 giờ về phía nam, ở vùng núi quận Wakayama. Tại đây, anh và gia đình ở tại một “akiya” – hay một căn nhà bỏ hoang – ở thôn quê.
“Cái akiya này ban đầu trông hơi giống nhà ma. Nhưng chúng tôi đã thay sàn mới, sửa mái, và cùng nhau làm mới nó” – Uchiyama, nay đã hơn tứ tuần, cho biết.
Gia đình anh đã bỏ ra một năm trời và 1 triệu Yên (khoảng 9.000 USD) để cải tạo căn nhà; họ nay sở hữu một trang trại hữu cơ, một quán cafe, và một nhà trọ gần với căn nhà này.
Mặt tiền nhà của Seichi sau khi sửa chữa
Trong khi Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu nhà, Nhật lại gặp một vấn đề hoàn toàn khác: có vô số những căn nhà vô chủ nằm rải rác ở những vùng hẻo lánh của đất nước. Cuộc khảo sát về nhà và đất của Nhật Bản, vốn được tổ chức mỗi 5 năm, ghi nhận con số kỷ lục: đến năm 2018, có đến 8,49 triệu akiya trên toàn đất nước.
Những căn nhà bỏ hoang đó tạo nên những “ngôi làng ma” ở vùng nông thôn nước Nhật – chẳng ai ở, nhưng muốn phá cũng không được. Ở một số nơi, cứ 5 căn nhà thì có 1 căn trống. Chính phủ Nhật hiện đang đưa ra những gói hỗ trợ như “nhà 500 USD” và miễn thuế để khuyến khích người dân chuyển từ những thành thị về vùng sâu vùng xa như Wakayama, nhưng giá nhà rẻ có lẽ vẫn chưa đủ để phá vỡ rào cản văn hoá và những thủ tục quan liêu xoay quanh việc định cư tại các thị trấn nhỏ.
Dù dịch bệnh COVID-19 đã mang lại cho nhiều người lao động lựa chọn làm việc tại các thành phố lớn như Tokyo mà không cần phải sống tại đó, Chris McMorran – một phó giáo sư tại khoa Nhật học của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), lại có một cái nhìn u ám đối với những cộng đồng nông thôn đó. Ông nói rằng người trẻ miễn cưỡng về làng quê bởi thiếu cơ hội việc làm – và bởi chính những akiya nói trên nữa.
“Việc có quá nhiều ngôi nhà trống đã khiến khung cảnh trở nên chán chường, và tệ hơn nữa, người ta không muốn sống ở một ngôi làng hẻo lãnh vây quanh bởi những ‘căn nhà ma'” – McMorran nói.
Ngoài ra, ông cho biết, nguyên nhân còn liên quan đến tỉ lệ sinh tại Nhật Bản, vốn đang ngày càng giảm dần kể từ thập niên 1970.
“Tình hình sẽ chỉ ngày càng tệ hơn” – McMorran nói. “Bởi cốt lõi của vấn đề là Nhật Bản đang thiếu cư dân”.
Một sân bay, 4 trường đại học, và rất nhiều nhà bỏ hoang: đó chính là khung cảnh ở Wakayama.
Quận có 934.000 người này (tính đến năm 2018) nằm ở bờ biển phía đông nam Nhật Bản. Thành phố Wakayama – thành phố lớn nhất của quận và là nơi sinh sống của gần 40% tổng dân số quận – cách Osaka khoảng 1 tiếng 15 phút.
Khu vực này được miêu tả là trung tâm tôn giáo của Nhật Bản, đồng thời là một khu vườn thiên nhiên khổng lồ. Những điểm thu hút khách du lịch đáng chú ý nhất của nó bao gồm nhiều suối nước nóng, loài gấu trúc lớn tại vườn thú thành phố Wakayama, và tuyến đường Kumano Kodo Pilgrimage 1.000 năm tuổi, chạy xuyên suốt 43 dặm băng qua núi, rừng, và bờ biển của Wakayama.
Đối với một số người, như Uchiyama, vùng đất này có sức hút đặc biệt.
“Ý tưởng theo đuổi nghề nông và sống thực chất hơn đã lôi cuốn tôi” – Uchiyama nói. “Tôi từng nghĩ về thiên nhiên, biển, núi, và sông rộng lớn tại đây. Tôi đoán tôi cho rằng đây là một nơi tuyệt vời để nuôi dạy lũ trẻ”.
Seichi và vợ trước căn nhà ở Wakayama, nay là một quán cafe kết hợp nhà nghỉ
Nhưng đối với một lượng lớn người khác, quận này nổi tiếng vì một thứ khác: nó vô cùng hẻo lánh. Thành phố Wakayama là thành phố duy nhất của quận với dân số vượt quá 65.000.
“Khi lái xe, bạn sẽ thường xuyên gặp một bầy khỉ và lửng băng qua đường ngay giữa ban ngày” – theo Yamamoto Reiko, 39 tuổi, làm trong lĩnh vực nhập khẩu và đã chuyển từ thành phố New York về sinh sống tại Wakayama. “Nay tôi đã quen với khung cảnh đó, nhưng ban đầu nó khiến tôi vô cùng ngạc nhiên”
Lũ khỉ và lửng có lẽ thoải mái băng qua đường bởi sự hiện diện của con người trong vùng là rất ít ỏi. Dân số của quận này đã và đang giảm dần đều kể từ năm 1996.
Richard Koo, giám đốc kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura Nhật Bản (NRI), cho biết 30 năm trước, có rất nhiều hoạt động kinh tế diễn ra – chủ yếu là các nhà máy – tại vùng thôn quê Nhật Bản. Nhưng đồng Yên Nhật liên tục tăng cao cho đến khi đạt đỉnh vào tháng 4/1995, khiến những nơi này dần trở nên thưa thớt, và tạo nên một vùng đai sa sút giống như ở Ohio của Mỹ vậy.
Xu hướng di cư từ nông thôn lên thành thị trên thực tế đã diễn ra từ nhiều thập kỷ trước đó – theo Tsutsui Kazunobu, giáo sư nghiên cứu về vùng miền tại Đại học Tottori của Nhật. Năm 1960, trung bình mỗi cộng đồng thôn quê Nhật Bản có 39 hộ gia đình. Đến năm 2015, Tsutsui cho biết con số này chỉ còn 15.
Gần như toàn bộ 30 thị trấn, thành phố, và làng xã ở Wakayama đều chứng kiến sự sụt giảm dân số từ năm 1995 đến 2020 – theo các cuộc khảo sát chính thức của chính quyền địa phương, vốn được thực hiện mỗi 5 năm. Trong 47 quận của Nhật, có 37 quận có dân số năm 2018 thấp hơn so với năm 1995. Đáng chú ý, các quận có 3 thành phố lớn nhất của Nhật (Tokyo, Yokohama, và Osaka) lại có dân số tăng cao trong cùng thời kỳ.
Nhật Bản hiện có tỉ lệ nhà còn trống cao nhất trong 37 quốc gia được khảo sát vào tháng 5 năm ngoái bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tính trên toàn quốc, tỉ lệ của Nhật là 14%.
Tại các vùng sâu vùng xa, con số này tăng lên đến 16%, và tại một số quận còn cao hơn nữa. 4 quận – trong đó có Kochi, Kagoshima, và Tokushima – ghi nhận tỉ lệ nhà còn trống vượt mức 18% trong cuộc khảo sát Nhà và Đất 2018 của Nhật. Wakayama đứng đầu danh sách tới tỉ lệ 18,8%.
Thành phố Wakayama, nơi chiếm 40% dân số quận Wakayama
Sự mất cân bằng giữa vùng nông thôn và thành thị Nhật Bản đã được cả chính quyền quốc gia lẫn địa phương ghi nhận từ những năm 1970.
Thủ tướng Yoshihide Suga đã đưa mục tiêu cải tổ vùng nông thôn làm trụ cột trong nhiệm kỳ của mình sau khi nhậm chức vào tháng 9 năm ngoái. Ông cam kết kích thích kinh tế nông thôn và tái tập trung những nỗ lực của chính phủ vào đó thay vì chỉ khu vực đô thị Tokyo.
“Thông qua cải cách du lịch và nông nghiệp, chúng tôi sẽ tạo ra một dòng người đổ về vùng nông thôn, tăng thu nhập địa phương, hồi sinh những vùng sâu vùng xa, và tăng trưởng kinh tế Nhật Bản” – trích bài phát biểu của ông Suga tại Nghị viện Nhật Bản hồi tháng 10 năm ngoái.
Ở cấp độ vùng, một số chính quyền hiện đang đưa ra những chính sách tài chính nhằm giúp người mới đến mua nhà ở vùng nông thôn dễ dàng hết sức có thể. Những chính sách đó bao gồm trợ cấp tiền sửa chữa đến giảm thuế (người mua akiya chỉ phải trả thuế tài sản thường niên bằng 1/6 so với thông thường).
Chính quyền nhiều nơi khác thì lập ra các ngân hàng akiya – những website liệt kê danh sách những căn nhà bỏ hoang với giá thấp nhất chỉ 455 USD.
Tokai Chizuru đã mua được căn akiya của cô ở Wakayama vào năm 2014. Sau khi sống ở Osaka với chồng là Shinya trong 3 năm trời, Tokai muốn một lối sống đơn giản hơn và đã tìm thấy điều mình mơ ước ở vùng nông thôn Wakayama.
Chizuru và chồng cùng căn nhà họ mua ở Wakayama
Và đây là nội thất bên trong
Cặp đôi chuyển đến một căn nhà cũ ở làng Irokawa, cách thành phố gần nhất khoảng 3 giờ đồng hồ. Họ mất 8 tháng để dọn dẹp căn nhà và 1,5 triệu Yên (12.500 USD) để sửa sang thành nơi ở phù hợp.
“Chúng tôi lưu giữ hầu hết cấu trúc nguyên bản” – Tokai nói, tiết lộ thêm rằng phần lớn công việc xoay quanh việc biến những cánh đồng gạo bỏ hoang quanh nhà thành mảnh đất màu mỡ để trồng hoa màu của riêng mình.
“Vào mùa xuân, chúng tôi tự trồng trà và tự thu hoạch. Đôi lúc, chúng tôi làm sản phẩm đã qua xử lý từ trái mận và yuzu (cam vàng, lai giữa bưởi, chanh và cam) trồng được. Chúng tôi cũng nuôi thêm gà nữa” – Tokai nói. “Tôi thực sự tận hưởng sự bình lặng, yên tĩnh, và truyền thống ở khu vực này”.
Ảnh chụp nhà Chizuru từ trên cao
Furukawa Ryuji, giám đốc sở kế hoạch quận Wakayama, phụ trách khuyến khích nhập cư và định cư, cho biết quận mở ngân hàng akiya vào năm 2015. Mục tiêu của họ là “nhằm giải quyết nhiều vấn đề như sụt giảm dân số, tỉ lệ sinh thấp, và lão hoá dân số, và nhằm duy trì sức sống và sự phồn vinh của cộng đồng nói riêng và khu vực nói chung”
Kể từ khi thành lập, ngân hàng đã có 600 mặt hàng, 200 trong số đó đã tìm được chủ mới, và các tài sản được liệt kê với tình trạng tốt thường được mua trước. Ngân hàng hiện có khoảng 110 căn nhà, từ một căn nhà xiêu vẹo hỏng mái, mất cửa trước, giá 800 USD, đến một căn 8 phòng ngủ giá 45.000 USD được bán kèm với trang trại bao quanh.
Không gian để xây dựng
Furukawa cho biết các công ty bất động sản tư nhân cũng đăng tải một số tin bán. Một số người mới chuyển đến các akiya thì được thừa kế từ người khác.
Nomura Yuichi và vợ Seiko, đều hơn 30 tuổi, chuyển từ Okinawa đến quê nhà của Seiko là Wakayama vào năm 2011. 5 năm sau đó, họ chuyển vào một căn nhà bỏ hoang vốn thuộc sở hữu của gia đình Seiko trước đây. Cặp đôi đã đầu tư 3 triệu Yên (37.000 USD) để làm mới cửa hàng và căn hộ phía trên nó – làm lại hệ thống điện, sửa sàn, và tái thiết kế mặt tiền.
“Chúng tôi cố gắng giữ lại càng nhiều cấu trúc nguyên bản càng tốt. Chúng tôi mua gạch mái đỏ cho mặt tiền, và sử dụng một phần bê tông nguyên bản để dựng hình những chú rùa trên nền nhà” – Nomura cho biết.
Hiện nay, Nomura và gia đình sống và làm việc tại tiệm bánh Jimamaya, bán bánh trứng và bánh danish làm từ các nguyên liệu địa phương tự trồng được.
“Tôi đã luôn mơ ước được sở hữu tiệm bánh của riêng mình, và tự làm bánh mì thủ công thay vì sản xuất đại trà nó” – Nomura nói. “Nay tôi đã đạt được ước mơ rồi”.
Yuichi và vợ trước tiệm bánh mì của mình ở Wakayama
Quá trình sửa chữa (trái) và kết quả (phải)
Nomura không phải là những người duy nhất chuyển đến Wakayama cho biết việc định cư ở đây mang lại cơ hội giúp họ mở ra công việc kinh doanh nhỏ lẻ với chi phí thấp.
Sakurai Yasunori, hơn 50 tuổi, tìm thấy cơ hội kinh doanh trong một toà nhà bỏ hoang gần văn phòng của ông ở Wakayama. Năm 2012, ông đầu tư 1 triệu Yên (12.100 USD) để làm mới căn akiya này, biến nó thành nơi sinh sống và cho những du khách trekking dọc tuyến đường Kumano Kodo ngang qua quận thuê để nghỉ ngơi.
Trong khi đó, Hayashi Noriaki, một doanh nhân hơn 30 tuổi, biến một akiya ở Wakayama thành một tiệm sách theo phong cách phim ảnh bằng cách đầu tư 6 triệu Yên (72.800 USD) và 4 năm trời sửa chữa.
Tiệm sách của Noriaki trước và sau khi sửa chữa
Dẫu vậy, các chuyên gia cho biết vẫn còn nhiều rào cản đối với đời sống ở vùng nông thôn nói chung và đối với việc sống trong các akiya nói riêng.
“Người ta vẫn miễn cưỡng chuyển về nông thôn bởi có những vùng quá hẻo lánh – như Wakayama chẳng hạn” – theo McMorran, giáo sư NUS. “Thiếu khả năng tiếp cận những nhu cầu cơ bản như bệnh viện và các cửa hàng tiện lợi khiến người ta nhụt chí”
Yamamoto, một chuyên gia về nhập khẩu đã chuyển từ New York về Wakayama, cho biết cơ sở hạ tầng phục vụ làm việc từ xa ở đây rất thiếu thốn. Chồng cô, một nhà phát triển iOS, không thể tìm được việc làm tại đây và phải chuyển đến Tokyo để có việc.
Đối với nhiều người muốn chuyển về nông thôn, mua một căn nhà đã qua sử dụng là một ý kiến không mấy hấp dẫn.
“Người Nhật thích có nhà riêng, ưu tiên một căn nhà mới xây” – theo Koo, nhà kinh tế học thuộc NRI.
“Ở Mỹ, nếu bạn mua nhà, khả năng cao đó là nhà cũ” – Koo nói. “Nhưng ở đây, thị trường nhà đã qua sử dụng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với nhà mới xây”
Tại Mỹ, trào lưu trang trí nhà cửa luôn được ưa chuộng, và việc mua một căn nhà cũ để biến nó thành căn nhà trong mơ là điều ai cũng muốn. Nhưng tại Nhật Bản, văn hoá DIY không phổ biến, và điều đó khiến bất kỳ ai dự định mua một nơi ở tồi tàn cũng có phần chột dạ – theo Douglas Southerland, chuyên gia kinh tế phụ trách giám sát kinh tế Nhật Bản của OECD.
Ngoài ra, vấn đề an toàn cũng là một yếu tố. Luật Xây dựng Tiêu chuẩn đầu tiên của Nhật được giới thiệu vào năm 1950. Kể từ đó, nó đã được chỉnh sửa ít nhất 5 lần để buộc người dân phải chỉnh sửa những toà nhà cũ trở nên chắc chắn hơn, đủ sức chống chịu động đất. Nhiều akiya được xây dựng trước lần sửa đổi năm 1981, có nghĩa là cấu trúc của chúng được xem là dễ đổ vỡ.
“Đất không có gì bên trên sẽ có giá trị cao hơn đất đã có nhà cũ” – Koo nói, nhấn mạnh thêm rằng một khi căn nhà đó đã được 10 hoặc 15 tuổi, giá trị của nó “còn thấp hơn không có gì nữa” bởi những chi phí liên quan việc phá dỡ.
Iwade-shi, một thành phố của quận Wakayama
Vậy nên, giải pháp tối ưu là phá dỡ và xây nhà mới trên khu đất – nhưng một lần nữa, rất khó để chính quyền làm điều đó, ngay cả với những ngôi nhà hoang, bởi luật sở hữu tài sản cực kỳ phức tạp của Nhật Bản.
Theo McMorran, trước 2015, chính phủ Nhật Bản không có quyền liên lạc với chủ sở hữu nhà và yêu cầu họ sửa chữa một căn nhà dột nát hay bị bỏ hoang. Ở vùng nông thôn, một ngôi nhà hoặc mảnh đất thường gắn kết với nhiều thế hệ, khiến nhà nước càng khó làm việc hơn.
Koo miêu tả những akiya ở Nhật Bản nhìn chung giống như những ngôi nhà hư vô: người sở hữu thì không muốn nó, hoặc không liên lạc được, còn chính quyền thì không thể lấy quyền sở hữu, và do đó nó cứ nằm đó, trong cảnh hoang tàn.
“Vì truy tìm ai là chủ căn nhà sẽ rất tốn kém, do đó phần lớn các trường hợp, chính quyền đơn giản là mặc kệ” – Koo nói. “Do đó, các akiya cứ như vậy trong nhiều năm trời mà chính quyền thậm chí chẳng thể triệt hạ nó”
Và ngoài những rào cản về kinh tế, tài chính, và văn hoá, còn có rào cản về xã hội nữa.
“Vùng nông thôn Nhật Bản là một xã hội rất, rất khép kín. Nếu bạn là người nước ngoài hay ở vùng khác và cố xâm nhập vào xã hội đó, sẽ mất rất nhiều thời gian – nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ – trước khi họ chấp nhận bạn là một trong số họ” – Koo nói.
“Còn có vấn đề về công việc nữa, bởi công việc ở những khu vực đó hiện hầu như không còn nữa, chưa kể đến thái độ bài người ngoài” – Koo nói.
Wakayama chỉ là một ví dụ nhỏ của một cuộc chuyển dịch dân cư lớn hơn đang diễn ra trên toàn Nhật Bản và vòng quanh thế giới.
Một số thị trấn ở Italy từng được biết đến vì bán nhà với giá…1 USD – hoặc thậm chí là cho không – trong một nỗ lực vô vọng nhằm tái phân bổ dân cư. Tương tự, nhiều thị trấn ở khắp nước Mỹ, đa số ở vùng nông thôn miền trung nước Mỹ, cũng đang treo thưởng tiền mặt lên đến 10.000 USD cho những người chấp nhận đến định cư.
Các ngân hàng akiya cũng không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề nhà hoang ở Nhật Bản. Cải cách luật pháp liên quan quyền sở hữu tài sản cũng là điều chính phủ nước này đang thực hiện. Koo cho biết, “chính phủ đang tìm cách để việc nắm quyền kiểm soát những ngôi nhà mà không ai muốn lấy nữa trở nên dễ dàng hơn, đồng thời lấy lại đất đai và tái phát triển số bất động sản đó”
Và COVID-19 có thể sẽ mang lại những thay đổi trong cách mọi người nhìn nhận mối tương quan giữa công việc và cuộc sống. Furukawa, giám đốc ngân hàng akiya của Wakayama, cho biết trong mùa dịch, sự hứng thú với việc định cư tại Wakayama đã tăng lên đáng kể.
“Hiện người ta có thể làm việc từ xa, và những việc kinh doanh phụ trợ cũng đang trở thành một xu hướng. Sống và làm việc trong một akiya có thể giúp bạn đi theo xu hướng đó” – ông nói.
Ruộng lúa của Tokai
Nhưng trên thực tế, đại đa số các nhà kinh tế học và học giả được phỏng vấn cho rằng những ngôi nhà như vậy vẫn sẽ ở trong tình trạng vô chủ. Koo nói rằng đại dịch đã gây ra hiệu ứng tiêu cực lên ngành công nghiệp du lịch trong kế hoạch hồi sinh vùng nông thôn của ông Suga – một kế hoạch mà ông miêu tả là “một trong số ít điểm sáng thực sự trong kinh tế Nhật trong 5 – 10 năm qua”
McMorran, giáo sư NUS, nhận định việc tái phân bổ dân số – và đưa người đến các akiya – là một trò chơi có tổng bằng không, trong đó các quận tại Nhật cạnh tranh với nhau để thu hút được số dân cư hạn chế vốn vẫn còn ở những vùng nông thôn nước này.
“Có thể sẽ có nhiều quận chiến thắng trong cuộc đua hồi sinh. Nhưng cũng sẽ có nhiều quận thất bại” – McMorran nói.
Theo https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nhat-ban-chat-vat-dua-nguoi-dan-ve-nong-thon-bang-chinh-sach-nha-gia-re-162221202210758499.htm