Điều chỉnh về thị thực của Nhật Bản có thể giúp những người lao động từ Philippines, Indonesia, Việt Nam trở thành thường trú nhân.
Đường phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Xinhua
Loạt thay đổi lớn
Khi Nhật Bản với dân số già hóa tìm cách bổ sung thêm lao động nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế, các nhà quan sát cảnh báo chính phủ nên cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích của làn sóng nhập cư đột ngột, theo SCMP.
Các quan chức của cơ quan xuất nhập cảnh đã gặp một hội đồng của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào đầu tuần này – sau các cuộc thảo luận với ngành và các bộ phận khác nhau của chính phủ – để đề xuất loạt thay đổi với quy định thị thực cho phép nhiều công dân nước ngoài hơn nhập cảnh Nhật Bản, ở lại lâu hơn và thậm chí cho phép một số người đủ điều kiện trở thành thường trú nhân.
Theo các điều khoản của thị thực Specified Skilled Worker (SSW: Người lao động kỹ năng đặc định) giới thiệu năm 2019, lao động nước ngoài có tay nghề cao có thể tìm được việc làm trong 12 lĩnh vực, như nông nghiệp, ngư nghiệp và sản xuất, trong tối đa 5 năm.
Những người có nền tảng về đóng tàu, lĩnh vực xây dựng và điều dưỡng đủ điều kiện xin thị thực có thể được gia hạn lâu hơn.
Cơ quan nhập cảnh đang đề xuất bãi bỏ giới hạn tối đa 5 năm, cho phép người lao động gia hạn thị thực nhiều lần và cuối cùng là nộp đơn xin thường trú.
Khuyến nghị được đưa ra sau khi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản công bố nghiên cứu vào tháng 3.2022 chỉ ra, nếu chính phủ muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2040, thì số lượng lao động nước ngoài sẽ cần phải tăng gấp 4 lần lên 6,74 triệu người.
Nếu LDP ủng hộ đề xuất đang được cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản thúc đẩy mạnh mẽ, đề xuất này có thể được nội các thông qua sớm nhất là vào tháng 6.2023 và có hiệu lực vào năm 2024.
Những trở ngại
Với số lượng người cao tuổi trong xã hội Nhật Bản ngày càng tăng và ngày càng ít trẻ em chào đời, Nhật Bản đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học cũng như khả năng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Cho tới nay, Nhật Bản đã phản đối việc nhập cư quy mô lớn nhưng tình trạng thiếu nhân lực trong độ tuổi lao động đã nghiêm trọng.
“Hiện tại, tình trạng thiếu lao động có kỹ năng và năng lực đang trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng ở Nhật Bản và tình hình sẽ chỉ trở nên tệ hơn trong tương lai” – ông Rui Yamaguchi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Lao động Nhật Bản, cho biết.
“Nhưng nếu đề xuất này thành công trong việc thu hút đủ lao động nước ngoài, thì các phần khác của thị thực cũng phải được sửa đổi” – Ông Rui Yamaguchi nói thêm và đề cập tới lệnh cấm người lao động mang theo gia đình khi bắt đầu công việc mới ở Nhật Bản.
Ông Stephen Nagy – Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo – cho biết, Nhật Bản nhìn chung có danh tiếng tốt với người dân của nhiều quốc gia Đông Nam Á đang tìm việc làm được trả lương cao ở nước ngoài.
“Người lao động đến Nhật Bản từ Việt Nam, Philippines, Indonesia và các nơi khác trong khu vực trong nhiều năm, trong đó nhiều người làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và điều dưỡng.
Những người này phần lớn còn trẻ và sẵn sàng làm việc trong những lĩnh vực mà nhiều người Nhật không còn muốn làm nữa – những công việc được coi là “3 chữ D” (dirty, difficult and dangerous) – bẩn, khó khăn và nguy hiểm” – ông nói.
Nhật Bản chắc chắn cần nhiều lao động hơn để hỗ trợ dân số già nhưng các nhà phân tích tin rằng, những người bảo thủ sẽ tiếp tục phản đối nhập cư, nhấn mạnh tăng cường tự động hóa và robot là giải pháp lâu dài.
“Sự khác biệt về văn hóa chắc chắn sẽ rất lớn với nhiều người, vì vậy cả hai bên sẽ cần thể hiện sự linh hoạt về văn hóa. Điều quan trọng với người lao động nước ngoài là cố gắng hết sức để hòa nhập vào xã hội Nhật Bản và tôi chắc chắn rằng sẽ có một số khác biệt về quan điểm, điều đó có nghĩa là việc giữ chân một số người lao động nước ngoài sẽ là một thách thức” – ông Nagy cho hay.
Các chuyên gia lưu ý, việc dễ dàng tiếp cận thị thực làm việc ở Nhật Bản chắc chắn sẽ gây sức ép lên những nơi phụ thuộc vào lượng lớn lao động nước ngoài trong khu vực, đặc biệt là Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Austraia và Hàn Quốc.
“Nếu Nhật Bản muốn đảm bảo thu hút đủ lao động chất lượng cao từ Đông Nam Á, thì hệ thống mới họ dự định giới thiệu phải tốt hơn hệ thống hiện có ở những nơi khác.
Các điều kiện sẽ phải tốt hơn, mức lương sẽ phải tốt hơn và người lao động sẽ phải yên tâm về việc có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, điều mà ngay cả người lao động Nhật Bản cũng không phải lúc nào cũng đạt được” – ông Nagy lưu ý.
Theo https://laodong.vn/tu-lieu/nhat-ban-dieu-chinh-thi-thuc-lao-dong-nuoc-ngoai-co-co-hoi-thuong-tru-1185235.ldo