Nhật Bản tìm cách đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn

Nhật Bản tìm cách đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn

Nhật Bản từng dẫn đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn. Vào những năm 1980, Nhật Bản chiếm 50% thị phần toàn cầu. Nhưng thời đó đã qua từ lâu, thị phần của Nhật đã giảm xuống chỉ còn 10%. Chính phủ lên kế hoạch đẩy mạnh lĩnh vực này và đưa Nhật Bản trở lại vị trí cường quốc về chất bán dẫn.

Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng chất bán dẫn và gây ra tình trạng thiếu hụt trên toàn thế giới. Điều này đã làm bộc lộ thực tế Nhật Bản phụ thuộc nhiều thế nào vào nhập khẩu cũng như những rủi ro từ việc này.

Hơn 25% chip của Nhật Bản là nhập từ Đài Loan, khoảng 10% là từ Trung Quốc. Giới chức chính phủ và lãnh đạo ngành ngày càng lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào các nguồn cung linh kiện vốn rất quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô và điện tử của Nhật Bản.

graph: Imports of semiconductors to Japan

Rủi ro địa chính trị dự kiến sẽ tăng

Vào tháng 6, chính phủ công bố báo cáo tập trung vào những thách thức liên quan đến việc hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước. Bối cảnh cơ bản dẫn tới kế hoạch này là kỷ nguyên của toàn cầu hóa không giới hạn đang đến hồi kết và rủi ro địa chính trị dự kiến sẽ gia tăng trong thập kỷ tới.

Nhiều thập kỷ qua, sản xuất chip bán dẫn là quá trình phân công lao động theo quốc gia. Các công ty công nghệ thông tin ở Mỹ chuyên thiết kế, còn các “xưởng đúc” ở Đài Loan chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng. Nhật Bản vẫn là nước dẫn đầu thế giới về chế tạo thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Sự chuyên môn hóa này tạo ra sản phẩm rẻ hơn cho doanh nghiệp và khách hàng trên toàn thế giới.

Ông Biden muốn đối kháng Trung Quốc

Mọi thứ thay đổi khi Trung Quốc thể hiện tham vọng trở thành người khổng lồ sản xuất chất bán dẫn. Điều đó khiến Mỹ lo ngại và chính quyền Biden hiện đang gấp rút củng cố chuỗi cung ứng của riêng mình, dành 50 tỷ đôla để thuyết phục các công ty trong và ngoài nước mở nhà máy mới trên đất Mỹ. Intel, TSMC (Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan), Samsung và Hitachi High-Tech đều đã quyết định hoặc đang xem xét tham gia.

Ngay cả các công ty Nhật Bản cũng dự định mở cơ sở tại Mỹ. Việc này khiến giới chức Nhật Bản lo lắng. Họ sợ rằng sự kình địch Mỹ – Trung có thể khiến Nhật Bản tụt lại phía sau hơn nữa.

Công ty “khổng lồ” của Đài Loan cân nhắc mở cơ sở ở Nhật Bản

Có một cách mà Nhật Bản hy vọng có thể là đối sách cho tình hình này. Đó là thu hút TSMC, xưởng đúc hàng đầu của thế giới, mở cơ sở sản xuất tại Nhật Bản với những hỗ trợ đáng kể về tài chính và kỹ thuật. Vào giữa tháng 7, người khổng lồ của Đài Loan xác nhận là đang xem xét ý tưởng một cách nghiêm túc và hiện đang trong giai đoạn thẩm định chi tiết.

TSMC

Chiến lược mới của Nhật Bản đánh dấu một sự thay đổi rõ ràng từ chính sách công nghiệp trước đây. Sau nhiều năm thực hiện nới lỏng quy chế để thúc đẩy tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn đầu, giờ đây Nhật Bản bắt đầu tập trung hơn vào an ninh quốc gia về kinh tế, hỗ trợ cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định và duy trì hoạt động kinh tế của đất nước.

Theo https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/1733/

Hotline: 0705.36.9899