Xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima cần đồng thuận của người dân

Quyết định của chính phủ Nhật Bản là xả ra biển nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện Fukushima Số 1 bị hư hại khiến nhiều người dân địa phương nổi giận. Các chuyên gia cho rằng người dân chỉ có thể hiểu cho kế hoạch này nếu chính phủ cải thiện đáng kể cách truyền đạt và tính minh bạch.

Tháng trước, chính phủ thông báo nước đã qua xử lý sẽ được xả ra biển sau khoảng 2 năm nữa. Nước sẽ được làm loãng để giảm nồng độ chất phóng xạ, ví dụ như triti xuống dưới mức được quy định trong tiêu chuẩn quốc gia. Tin này là một đòn giáng mạnh đối với nhiều người dân tỉnh Fukushima. Đã hơn 1 thập kỷ trôi qua kể khi từ cuộc sống của họ bị đảo lộn bởi sự cố nóng chảy 3 lò phản ứng sau động đất và sóng thần lớn.

Tác động kinh tế

Đối với những người kiếm sống nhờ vào biển, quyết định này giống như một sự phản bội nặng nề. Sáu năm trước, chính phủ Nhật Bản và chủ quản nhà máy điện là Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cam kết sẽ không xả nước đã qua xử lý nếu không được sự đồng thuận của các bên liên quan. Thông báo xả nước được đưa ra hồi tháng 5 khi chưa được sự đồng thuận của ngành ngư nghiệp tỉnh Fukushima.

Lượng đánh bắt đang dần hồi phục kể từ sau thảm họa ngày 11/3/2011, nhưng một số người dân vẫn còn ngần ngại. Một số đối tác thương mại nước ngoài vẫn áp dụng hạn chế nhập khẩu, dù sản phẩm được kiểm tra nồng độ phóng xạ để đảm bảo an toàn trước khi xuất đi.

Fishing ports

Tất cả các cảng đánh cá ở tỉnh Fukushima đã hoạt động trở lại sau thảm họa tháng 3/2011.

Quan ngại về an toàn là một thách thức

Chính phủ Nhật Bản cho biết họ sẽ nỗ lực ứng phó với những quan ngại về an toàn trước khi xả nước đã qua xử lý. Điều này bao gồm tăng cường hệ thống giám sát nồng độ phóng xạ của nước biển, và kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phổ biến thông tin khách quan ở cả Nhật Bản và nước ngoài. Chính phủ cũng cam kết thúc đẩy du lịch và kinh doanh các đặc sản của Fukushima.

Vài ngày sau thông báo xả nước đã qua xử lý, Thủ tướng Suga Yoshihide họp kín với Thống đốc Fukushima Uchibori Masao. Theo tin tức, ông Suga nói rằng ông hiểu các quan ngại của người dân, đặc biệt là những người trong ngành ngư nghiệp.

Tuy nhiên, ông Takahashi Kazuyasu – một ngư dân 42 tuổi ở thành phố Soma, không cảm thấy thuyết phục. Ông nói: “Chính phủ bỏ quên vấn đề này trong một thập kỷ và thậm chí còn không kêu gọi thảo luận toàn quốc. Ai mà tin được cam kết ứng phó với quan ngại về an toàn cơ chứ?”.

Giáo sư Koyama Ryota của Đại học Fukushima, thành viên một ủy ban chính phủ về vấn đề xả nước đã qua xử lý, có suy nghĩ tương tự. Ông nói: “Cứ tiến hành kế hoạch xả nước thì chỉ khiến quan ngại gia tăng. Điều quan trọng hiện nay là chính phủ cần xây dựng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau với người dân”.

ALPS

Hệ thống Xử lý Chất lỏng Tiên tiến (ALPS).

Kêu gọi cải thiện thủ tục đền bù

Trong khi đó, địa điểm lưu trữ nước thải ở nhà máy điện Fukushima Số 1 sắp hết chỗ. Mỗi ngày có 140 tấn nước thải được xử lý bằng Hệ thống Xử lý Chất lỏng Tiên tiến. Hiện nay, ở đây có tổng cộng có 1,25 triệu tấn nước được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa. Chính phủ nói rằng chỉ trong vài năm nữa là sẽ hết chỗ chứa nước.

Trong thông điệp của mình, chính phủ Nhật Bản nói rằng việc xả nước chứa triti ra biển không phải điều gì mới. Các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản và nhiều nước khác vẫn xả ra biển nước thải đã được làm loãng tới mức đủ tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, trường hợp tỉnh Fukushima, với những định kiến về thảm họa hạt nhân, đặt ra nhiều vấn đề đặc biệt.

Chính phủ kêu gọi TEPCO đền bù, nhưng Giáo sư Yokemoto Masafumi của Đại học Thành phố Osaka nói rằng vẫn chưa rõ ai sẽ được đền bù bao nhiêu, đặc biệt là sau khi xả nước đã qua xử lý. Ông nói: “Nhiều khu vực và doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, nhưng rất khó để chứng minh rằng việc xả nước là nguyên nhân gây ra thiệt hại đối với từng trường hợp”.

Một lượng lớn đơn đòi bồi thường liên quan đến nhà máy điện Fukushima Số 1 cho thấy con đường phía trước sẽ khó khăn. Từ năm 2014 tới năm 2020 có tổng cộng 19.163 trường hợp đòi bồi thường đã được xử lý thông qua Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Bồi thường Thiệt hại Hạt nhân, nhưng TEPCO từ chối đề xuất hoà giải đối với hơn 50 trường hợp.

Nhiều ngư dân tỉnh Fukushima nói rằng họ không muốn sống dựa vào tiền bồi thường. Họ muốn kiếm sống bằng đánh bắt hải sản, như trước khi xảy ra sự cố hạt nhân.

Giáo sư Yokemoto nói rằng TEPCO phải có cách tiếp cận cởi mở hơn: “Điều quan trọng là không nên áp đặt yêu cầu quá khắt khe đối với việc cung cấp bằng chứng, và cần thảo luận chân thành với các bên đòi bồi thường để họ hiểu và thông cảm”.

Nguồn: https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/1633/

Hotline: 0705.36.9899